Lão hóa da là sự suy giảm chức năng của da, khiến da mất độ đàn hồi và yếu dần. Quá trình lão hóa khiến chức năng của da, thể tích da, mật độ da và đặc biệt lượng collagen suy giảm rõ rệt theo năm tháng.
Nhắc đến lão hóa, không chỉ nhắc đến mái tóc bạc, chiều cao “giảm dần”, trí nhớ không còn minh mẫn mà còn là tình trạng xuống cấp của làn da. Khi càng có tuổi, làn da càng trở nên yếu ớt, những nếp nhăn xuất hiện, vết sạm nám, đồi mồi trở nên rõ nét và khó biến mất hơn.
Tại sao, da lại bị lão hóa? Liệu quá trình này có thể được đảo ngược hay làm chậm? Câu trả lời là bạn không thể ngăn chặn hoặc đảo ngược quá trình lão hóa da. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể làm chậm quá trình này.
Tổng quan về cấu trúc da
Da gồm có 3 lớp: Biểu bì, hạ bì và mô dưới da.
Trong đó, lớp biểu bì gồm 5 lớp tế bào: Lớp đáy, lớp gai, lớp hạt, lớp sáng và lớp sừng. Lớp trung vì có lớp nhú và lưới. Lớp hạ bì có các mô mỡ, các cơ quan thụ cảm và các nang lông.
Lớp biểu bì có chức năng là lớp rào cản vật lý và sinh học đối với môi trường bên ngoài, ngăn chặn sự xâm nhập của các chất kích thích và chất gây dị ứng. Đồng thời, lớp biểu bì ngăn ngừa sự mất nước và duy trì cân bằng nội môi. Các tế bào ở da gồm: Tế bào sừng, các tế bào ở sừng được gắn với nhau bằng lipid biểu bì. Cuối cùng là tế bào melanin tạo ra sắc tố da.
Lớp trung bì chủ yếu được cấu tạo từ protein và nước, trong đó nổi bật là chất nền ngoại bào (ECM) với 4 yếu tố:
Sợi Collagen: là thành phần chính của ECM, chiếm 75% trọng lượng khô của da, cung cấp độ bền kéo và độ đàn hồi, góp phần lớn trong việc giữ da luôn căng phẳng và đàn hồi
Mô hình minh họa cấu trúc của da
Sợi Elastin: là một yếu tố dạng sợi khác tạo nên ECM ở da. Các sợi đàn hồi này đưa da trở lại cấu hình bình thường sau khi bị kéo căng hoặc biến dạng. Mặc dù chúng chỉ chiếm 0,2% trọng lượng khô của lớp hạ bì, nhưng chúng hấp thụ nước gấp 1000 lần thể tích của chúng, giữ nước cho làn da.
Các cấu trúc này thì gắn chặt với một chất như gel (có chứa Axit Hyaluronic), có khả năng cao trong việc liên kết với phân tử nước giúp duy trì được thể tích của da.
Nguyên bào sợi sẽ giúp tổng hợp nên collagen, elastin, các cơ chất ngoại bào cấu thành mô liên kết, góp phần vào quá trình làm lành vết thương.
Lớp hạ bì là lớp dưới cùng của da. Đây sẽ nơi tạo ra năng lượng của cơ thể, đồng thời hoạt động như một tấm đệm và cách nhiệt cho cơ thể. Chúng gồm các tế bào mỡ gắn kết với nhau thành một lớp đệm, các sợi collagen đặc biệt gồm các mô liên kết mềm xốp giúp giữ các tế bào chất béo gắn kết lại với nhau. Thành phần cuối cùng là các mạch máu.
Lão hóa da là gì?
Da là một hệ sinh thái, một cơ quan quan trọng. Da có tác dụng cảm nhận các tác động bên ngoài, điều hòa chất điện giải, kiểm soát nhiệt độ cơ thể, ngăn chặn những tổn thương từ môi trường.
Da cũng như các cơ quan khác, chúng sẽ già đi theo thời gian. Theo thời gian, bạn sẽ thấy da bị sạm đi, nổi đồi mồi, da nhăn nheo, nếp nhăn và vết chân chim.
Đây chính là kết quả của sự teo dần lớp hạ bì. Điều này xảy ra là do sự suy giảm collagen ở lớp hạ bì.
Ngoài yếu tố nội sinh, môi trường sống và chế độ ăn uống cũng là nguyên nhân dẫn đến lão hóa nhanh chóng. Trong khuôn khổ bài viết này, Candid sẽ cùng bạn tìm hiểu về lão hóa nội sinh.
Lão hóa da nội sinh là gì?
Lão hóa nội sinh (do tuổi tác) là một quá trình tự nhiên của cơ thể, bắt đầu từ khi chúng ta sinh ra và diễn ra suốt cuộc đời.
Đối với phái nữ việc mất cân bằng nội tiết cùng quá trình mãn kinh cũng sẽ làm thay đổi kết cấu và độ đàn hồi của da. Da trở nên mỏng và kém săn chắc hơn. Ngoài ra, lỗ chân lông cũng to và mụn xuất hiện nhiều.
Bên cạnh đó, quá trình suy giảm mỡ và xương cũng cũng khiến cho da mắt bị trũng sâu và hốc hác hơn so với thời trẻ.
Ngoài ra có thêm 1 lý do là chu trình tái tạo da bị chậm hơn so với lúc còn trẻ. Chính vì vậy, bạn thấy rằng da của những em bé sơ sinh luôn đẹp và mịn màng.
Lão hóa là quá trình tự nhiên của cơ thể
Dấu hiệu lão hóa da nội sinh
Lão hóa da do tuổi tác là một quá trình âm thầm. Khi còn trẻ, bạn có thể sẽ không nhìn thấy rõ nhưng khi càng có tuổi, mọi thứ sẽ càng trực quan hơn.
Đầu tiên, bạn sẽ thấy da mỏng đi theo thời gian, da dễ bị tổn thương chẳng hạn khi lớn tuổi da bị mụn bạn sẽ thấy sẹo mụn lâu phục hồi hơn rất nhiều so với thời còn trẻ. Ngoài ra, việc các tế bào sắc tố mất đi, dẫn đến da trông nhợt nhạt, kém hồng hào khỏe mạnh. Một số các tế bào hắc tố phình to ra, ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ xuất hiện đốm nâu, đồi mồi và sạm nám.
Tuyến bã nhờn hoạt động chậm lại, da sẽ không còn được cung cấp đủ ẩm, từ đó trở nên khô, sần và từ đó dễ hình thành nhiều nếp nhăn.
Ở phần trung bì, mạch máu trở nên mỏng hơn và dễ tổn thương. Chính vì vậy, chỉ cần một va đập nhỏ, da cũng có thể bị sưng và bầm tím, hay đơn giản da bị mụn thì sẹo mụn cũng mất nhiều thời gian phục hồi hơn.
Theo thời gian, lớp mỡ dưới da cũng mất dẫn, da sẽ không còn độ căng do ảnh hưởng suy giảm Collagen và Elastin. Ngoài ra, da cũng sẽ xuất hiện những nốt mụn, mụn cóc. Những nốt này có khả năng lớn trở thành ung thư da.
Trái ngược với làn da còn trẻ, những sợi collagen khỏe mạnh được liên kết với nhau và tổ chức tốt, collagen ở làn da lão hóa sẽ bị phân mảnh và phân bố thô hơn. Quá trình này khiến cho da bị nhăn nheo và mất độ đàn hồi.
Trong khi đó, các sợi elastin đóng vai trò quan trọng trong sức chịu đựng của da (khả năng biến dạng) và khả năng phục hồi (đàn hồi). Khi còn trẻ, các sợi elastin được sắp xếp trật tự ở dạng lưới. Trong quá trình lão hóa, những sợi elastin này sẽ bị ảnh hưởng và trải qua những thay đổi về cấu trúc. Dù có sự tăng sinh về các sợi đàn hồi, những sợi elastin mới được sắp vô tổ chức và có chức năng đàn hồi kém. Da lúc này mất đi độ đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn.
5 thành phần hoạt chất cần thiết chống lão hóa
Tin buồn, bạn không thể ngăn chặn quá trình chống lão hóa da. Tuy nhiên, tin vui, bạn hoàn toàn có thể làm chậm quá trình này bằng việc bổ sung những thành phần hoạt chất chống lão hóa da.
Những thành phần chống lão hóa cần có
Chống lão hóa da bền vững là một quá trình chăm sóc da đầy đủ, chuyên sâu và kéo dài trong thời gian dài, giúp duy trì và cải thiện tình trạng da, ngăn ngừa và giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa da. Chu trình chống lão hoá da bền vững phải là sự kết hợp giữa nhiều chất:
- Chất chống oxy hóa
- Thành phần tương tự da
- Thành phần giao tiếp tế bào
- Thành phần chống nắng
- Thành phần loại bỏ tế bào chết
Trong quá trình chăm sóc da, các sản phẩm chống lão hóa da như sữa rửa mặt, toner, tinh chất dưỡng da, kem chống nắng, kem dưỡng ẩm và các loại mặt nạ chuyên sâu đóng vai trò rất quan trọng.
Để đạt hiệu quả cao nhất, các sản phẩm chăm sóc da cần chứa các chất chống lão hóa da như Retinol, Vitamin C, Vitamin E, Peptide, Axit Hyaluronic và các chất chống oxy hóa. Các chất này giúp tăng cường sản xuất collagen, cải thiện độ đàn hồi, tăng cường độ ẩm và làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn trên da.
Chất chống oxy hoá là gì?
Chất chống oxy hóa là các hoạt chất có khả năng giảm thiểu hoặc ngăn chặn quá trình oxy hóa trong cơ thể. Oxy hóa là quá trình tự nhiên trong cơ thể, tuy nhiên nếu nó diễn ra quá nhanh hoặc quá mức, nó có thể gây ra các tác hại, bao gồm lão hóa da, ung thư và các bệnh khác. Chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn tác hại của các gốc tự do, các chất phản ứng oxy hóa có thể gây hại cho tế bào và cơ quan trong cơ thể.
Những chất chống oxy hóa có thể kể đến vitamin A, vitamin C, superoxide dismutase, beta carotene, glutathione, selenium, trà xanh, chiết xuất đậu nành.
Những chất này sẽ giúp giảm và ngăn ngừa tổn thương do gốc tự do gây ra. Bên cạnh đó, chúng cũng có tác dụng tăng cường hiệu quả của kem chống nắng khiến da tự lành lại và sản sinh thêm collagen.
Thành phần tương tự da giúp chống lão hoá da
Thành phần tương tự da để phục hồi da bao gồm các chất có cấu trúc và tính chất tương tự như thành phần tự nhiên của da. Điều này giúp sản phẩm dễ dàng thẩm thấu và hấp thụ vào da, cung cấp dưỡng chất và độ ẩm giúp da phục hồi và tái tạo tế bào da.
Các thành phần tương tự da thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng da, serum, tinh chất và mặt nạ. Các thành phần này bao gồm axit hyaluronic, collagen, ceramides, cholesterol, lecithin, glycerin, fatty acids, polysaccharides, sodium PCA, chuỗi các acid amin, glycosaminoglycans. Chúng giúp củng cố cấu trúc của da, giữ cho da đàn hồi và săn chắc, đồng thời cung cấp độ ẩm cho da.
Thành phần giao tiếp tế bào
Những thành phần giao tiếp tế bào da có thể kể đến Niacinamide, Retinol, Peptide tổng hợp, Lecithin, Ceramide hay Adenosine Triphosphate.
Những chất này sẽ trở thành một cây cầu để giao tiếp và kết nối các tế bào khiếm khuyết. Từ đó, da sẽ truyền tín hiệu để sản sinh những tế bào trẻ và khỏe mạnh hơn.
Retinol đóng vai trò như một chất giao tiếp tế bào
Kem chống nắng
Chống nắng là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình chống lão hóa da. Tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân gây lão hóa da, làm giảm độ đàn hồi, làm xuất hiện các đốm nâu và nếp nhăn trên da.
Việc sử dụng sản phẩm chống nắng giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và ngăn ngừa sự xuất hiện của các dấu hiệu lão hóa trên da.
Các sản phẩm chống nắng hiện nay đều có chứa các thành phần bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, bao gồm các thành phần vật lý và hóa học. Thành phần vật lý là các thành phần tạo ra một lớp màng bảo vệ trên da, bao gồm các loại khoáng chất như oxit kẽm và titan. Thành phần hóa học là các chất hấp thụ và phản ứng với tia UV, giúp bảo vệ da khỏi tác hại của chúng, bao gồm các loại avobenzone, oxybenzone và octinoxate.
Loại bỏ tế bào chết
Muốn các thành phần chống lão hoá được hấp thụ tốt nhất, bước loại bỏ tế bào chết cho da đóng vai trò then chốt. Để loại bỏ tế bào chết, có thể sử dụng các sản phẩm chứa các thành phần tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, chẳng hạn như AHA (alpha-hydroxy acids) hoặc BHA (beta-hydroxy acids).
AHA thường được chiết xuất từ các loại trái cây như chanh, dứa, nho và táo, trong khi BHA được chiết xuất từ cây liễu. Các thành phần này giúp làm mềm và làm sạch tế bào chết trên bề mặt da, giúp da trông sáng hơn và trẻ trung hơn.
Loại bỏ tế bào chết là một bước vô cùng quan trọng
AHA là các axit hoạt động trong phạm vi bề mặt da và tác động lên lớp biểu bì, giúp làm mềm và làm sạch các tế bào chết trên bề mặt da. Các loại AHA phổ biến nhất là glycolic acid và lactic acid, được chiết xuất từ các loại trái cây như chanh, dứa, nho và táo. AHA giúp giảm độ sần sùi, giúp da trông sáng hơn và tăng độ đàn hồi của da.
Đừng quên đón xem phần tiếp theo tại blog Candid để hiểu thêm Lão hóa ngoại sinh. Nếu bạn vẫn còn bết kỳ câu hỏi nào, đừng ngại ngần liên hệ với fanpage Candid hoặc hotline: 098 482 0614
Cố vấn chuyên môn: Bác sĩ CK1 Đào Hải Yến