HÀNG RÀO BẢO VỆ DA LÀ GÌ? CÁCH PHỤC HỒI VÀ CỦNG CỐ HÀNG RÀO BẢO VỆ DA
Hàng rào bảo vệ da là gì, chúng hoạt động như thế nào để bảo vệ da? Hàng rào bảo vệ da có tự phục hồi được không?
Thuật ngữ hàng rào bảo vệ da chắc đã không còn xa lạ với chị em, tuy nhiên, không phải ai cũng biết cơ chế hoạt động của lớp màng này và vô tình làm tổn thương chúng, khiến làn da không còn được bảo vệ một cách tốt nhất. Bài viết này chỉ rõ khái niệm hàng rào bảo vệ da và cách phục hồi nếu lớp hàng rào này đã bị tổn thương.
Hàng rào bảo vệ da là gì?
Hàng rào bảo vệ da (skin barrier) thường được gọi là lớp biểu bì sừng, nằm ở lớp trên cùng của da. Lớp biểu bì sừng này bao gồm các tế bào da, lipid và các yếu tố giữ ẩm tự nhiên như amino acid và acid béo.
Hàng rào bảo vệ da khỏi mất nước và vi khuẩn bên ngoài
Hàng rào bảo vệ da có chức năng bảo vệ da khỏi tình trạng mất nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây hại từ môi trường như vi khuẩn, nấm, và các tác nhân gây viêm nhiễm khác khiến da lên mụn. Nó còn giúp duy trì độ ẩm cho da và duy trì sự cân bằng tự nhiên của da, giúp da trông khỏe mạnh và sáng bóng. Khi hàng rào bảo vệ da của bạn không bị tổn thương, bạn sẽ không cần lo lắng về các vấn đề kích ứng da, nổi mụn hay bị mẩn đỏ trên da.
Các dấu hiệu cho thấy hàng rào bảo vệ da bị tổn thương
Tác nhân gây tổn thương hàng rào bảo vệ da
Có rất nhiều tác nhân tấn công lớp màng lipid này mỗi ngày, khiến nó suy yếu theo thời gian. Dưới đây là một số những nguyên nhân gây tổn hại cho hàng rào bảo vệ da của bạn:
- Tuổi tác: Tuổi càng tăng lên, quá trình tái tạo tế bào mới càng trở nên chậm chạp và đình trệ hơn so với khi còn trẻ. Điều này khiến lớp biểu bì sừng trở nên mỏng và ngày một yếu đi, làm cho da dễ bị khô, mất đi độ đàn hồi và dễ bị nám, đồi mồi hơn.
- Làm sạch da không đúng cách: Trong một ngày sinh hoạt thông thường, làn da phải tiếp xúc với vô số bụi bẩn, ô nhiễm không khí và lớp makeup trên da. Nếu bạn không làm sạch làn da đủ sẽ khiến những cặn bẩn này lưu lại trên da, đọng ở các lỗ chân lông và quyện với dầu nhờn trên mặt, gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn. Khi bị mụn, da sẽ bị viêm, ảnh hưởng trực tiếp đến lớp màng lipid phủ ngoài da và khiến nó bị tổn thương.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da chứa cồn hoặc chất tẩy rửa mạnh: Những loại sữa rửa mặt có độ pH quá cao, hay những sản phẩm chăm sóc da chứa cồn, paraben, hương liệu,... đều sẽ gây khô da và kích ứng da, tùy độ nặng nhẹ phụ thuộc vào loại da của bạn. Ngoài ra, những sản phẩm kem trộn kích trắng chứa chất tẩy mạnh, corticoid cũng sẽ bào mòn da và gây hại đến hàng rào bảo vệ da. Những chất cồn, chất tẩy mạnh này sẽ lột đi mất phần nào lớp màng bảo vệ da, khiến nó ngày một suy yếu. Nếu bạn sử dụng những sản phẩm có chứa cồn hay các chất tẩy rửa mạnh mà không biết cách chăm sóc da sẽ khiến da bị khô, hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng và ngày càng yếu đi.
- Tia UV trong ánh nắng mặt trời: Tác hại của tia UV từ mặt trời có thể gây hại cho hàng rào bảo vệ da, làm mất đi sự cân bằng tự nhiên của nó và làm cho da dễ bị tổn thương. Điều này có thể dẫn đến việc hình thành nám và tàn nhang, gây ra việc mất nước qua biểu bì.
- Tác động của môi trường: Môi trường ô nhiễm, khí hậu khắc nghiệt và tác động của hạ nhiệt độ cực đoan cũng có thể làm yếu đi hàng rào bảo vệ da.
Dấu hiệu hàng rào bảo vệ da bị tổn thương
Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương đa phần là do sự thiếu hụt Ceramides - một loại lipid tự nhiên trong da, đóng vai trò quan trọng duy trì tính nguyên vẹn của hàng rào bảo vệ da. Khi đó, da sẽ dễ gặp phải tình trạng bị khô, bong tróc hoặc bị đóng vảy ở những nơi cử động nhiều như khóe miệng, khóe mắt, đôi khi ở má và vùng xung quanh hàm. Khi không có đủ ceramides, khả năng bảo vệ da giảm đi, dẫn đến những dấu hiệu như làn da trở nên nhạy cảm, mẩn đỏ, ngứa, và có vẻ xỉn màu, mỏng manh hơn.
Lớp màng bảo vệ bị tổn thương khiến da dễ bị kích ứng hơn
Thêm vào đó, ở một số trường hợp khi lớp màng lipid này bị tổn thương và không thể tự phục hồi, bạn sẽ bị kích ứng với cả những sản phẩm chăm sóc da mà trước đấy bạn không gặp tình trạng tương tự khi sử dụng. Nó cũng có thể trở nên nhạy cảm hơn đối với tác hại của tia UV từ ánh nắng mặt trời, gió, nhiệt độ lạnh và các tác nhân môi trường khác. Đó chính là dấu hiệu để bạn bắt tay vào phục hồi lớp màng này trước khi quá muộn.
Cách phục hồi hàng rào bảo vệ da
Hàng rào bảo vệ da có tự phục hồi được không? Câu trả lời là CÓ, tuy nhiên nó diễn ra rất chậm và hiếm khi có thể tự phục hồi về như cũ khi nó vẫn phải tiếp xúc với các tác nhân gây hại mỗi ngày. Để có thể phục hồi được lớp màng này, bạn cần biết cách chăm sóc da và bảo vệ làn da của mình, nuôi dưỡng và củng cố hàng rào bảo vệ da. Tùy vào mức độ tổn thương của hàng rào bảo vệ da, có thể chia ra làm hai loại:
- Đối với làn da khỏe mạnh: Điều này có thể mất ít nhất 2 tuần và có thể kéo dài tới 1 tháng để sửa chữa chức năng của lớp sừng.
- Đối với làn da yếu: Trong trường hợp làn da đã bị tổn thương nghiêm trọng hơn, quá trình phục hồi có thể kéo dài từ 2 tháng và có thể tốn tới 6 tháng để khôi phục lớp bảo vệ bên ngoài của da.
Trong quá trình phục hồi, bạn có thể cảm nhận những biểu hiện như giảm mẩn đỏ, làn da trở nên ít nhạy cảm hơn, giảm viêm sưng, cải thiện độ đàn hồi, và làn da trở nên mịn màng hơn. Dưới đây là một vài gợi ý chăm sóc da để phục hồi và củng cố hàng rào bảo vệ da của bạn:
Duy trì độ pH cho da
Độ pH lý tưởng cho một làn da khỏe mạnh là 5.5. Để da giữ được hàng rào bảo vệ tốt nhất, việc duy trì mức độ pH của da ở khoảng 5.5 và có tính axit nhẹ rất quan trọng. Việc sử dụng những sản phẩm có chứa độ pH quá cao hay quá thấp đều có thể gây hại hệ sinh thái tự nhiên của da, khiến da trở nên dễ kích ứng, khô và có thể dẫn đến viêm nhiễm. Nhất là đối với các sản phẩm sữa rửa mặt, bạn không nên chọn sữa rửa mặt có độ pH quá cao gây cảm giác sạch bong kin kít, chúng sẽ gây khô da và khiến da bạn tiết nhiều dầu hơn do phải điều tiết độ ẩm cho da.
Duy trì độ ẩm cho da
Điều kiện tốt nhất để hàng rào bảo vệ da có thể hồi phục là duy trì độ ẩm cho da. Các thành phần được ưa chuộng để nuôi dưỡng hàng rào bảo vệ da và duy trì độ ẩm cho da bao gồm Ceramides, Glycerin, Hyaluronic Acid (HA), Tocopherol hoặc Tocopheryl Acetate (vitamin E), Niacinamide (vitamin B3), và Panthenol (vitamin B5). Khi làn da được duy trì đủ độ ẩm, da sẽ mịn màng, căng bóng và rạng rỡ hơn rất nhiều. Ngoài ra, Vitamin C cũng là hoạt chất có thể cấp ẩm da, củng cố lớp màng lipid bảo vệ da, hỗ trợ làm sáng và đều màu da hiệu quả.
Duy trì độ ẩm da giúp hàng rào bảo vệ da phục hồi nhanh hơn
Tránh lạm dụng hoạt chất tẩy tế bào chết
AHA/BHA là hai hoạt chất tẩy tế bào chết hóa học khá thông dụng và đem lại hiệu quả cải thiện làn da khá cao. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại hoạt chất này quá đà, peel nồng độ cao quá thường xuyên sẽ khiến da bị bào mỏng, khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương trầm trọng hơn.
AHA và BHA là hai hoạt chất tẩy tế bào chết hóa học nổi tiếng
Nồng đô AHA/ BHA nên ở mức 1-4% và duy trì với tần suất 1-2 lần/tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý bôi kem chống nắng đầy đủ để tránh da bị tăng sắc tố sau khi sử dụng hoạt chất.
Bôi thoa kem chống nắng thường xuyên
Kem chống nắng sẽ giúp bảo vệ làn da khỏi sự xâm hại của tia nắng mặt trời, giảm đứt gãy các sợi collagen giảm nguy cơ bị ung thư da. Loại kem chống nắng được khuyên dùng là kem chống nắng có phổ rộng, độ SPF 50 và cần kết hợp cùng các biện pháp che chắn khác để đảm bảo hiệu quả bảo vệ làn da tốt nhất.
Bài viết trên đã cho bạn biết khái niệm về hàng rào bảo vệ da và cách củng cố, phục hồi hàng rào bảo vệ da. Nếu có thắc mắc gì thêm, nhắn tin ngay cho Fanpage Candid để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.Bài viết liên quan
- TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI NẾP NHĂN VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢM SỰ XUẤT HIỆN CỦA NẾP NHĂN
- SKINCARE TUỔI U30: TOP 06 HOẠT CHẤT CHỐNG LÃO HÓA DA HIỆU QUẢ NHẤT
- NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHĂM SÓC DA Ở TUỔI 30
- DẤU HIỆU LÃO HÓA SỚM MÀ ÍT AI NHẬN RA?
- COLLAGEN THỦY PHÂN LÀ GÌ? TÁC DỤNG COLLAGEN THỦY PHÂN TRONG CHĂM SÓC DA LÃO HOÁ